Hộ kinh doanh là một loại hình khá phổ biến được nhiều người đăng ký vì có mô hình hoạt động nhỏ lẻ và dễ dàng đăng ký. Tuy nhiên, không ít một số người vẫn còn thắc mắc về việc hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không, có con dấu riêng không? Hãy tham khảo nội dung bài viết dưới đây của Lạc Việt để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không
Giải đáp về thắc mắc hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không

Tư cách pháp nhân là gì?

Tư cách pháp nhân là một khái niệm quan trọng thường được sử dụng theo tên gọi cho một tổ chức được Nhà nước công nhận. Qua đó, các tổ chức này có thể tham gia vào các hoạt động về kinh tế, chính trị, xã hội.

Theo Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật;
  • Tổ chức có cơ cấu hoạt động rõ ràng, minh bạch;
  • Tổ chức có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
  • Tổ chức có khả năng đại diện cho chính mình trong các giao dịch và mối quan hệ pháp lý một cách độc lập.

Ví dụ: Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty hợp danh, công ty cổ phần là những loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân hợp pháp.

Hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không?

hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân 1
Hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không?

Căn cứ theo Điều 79 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP được quy định cụ thể về hộ kinh doanh như sau:

  • Hộ kinh doanh do một cá nhân/các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ;
  • Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho 01 thành viên làm đại diện hộ kinh doanh.

Dựa theo những quy định trên có thể thấy, hộ kinh doanh sẽ không có tư cách pháp nhân giống như doanh nghiệp, do không đáp ứng về điều kiện của pháp nhân.

Do tính chất như vậy, hộ kinh doanh thường hoạt động theo cách riêng biệt, không liên tục, không sử dụng con dấu, không được phép mở chi nhánh hay văn phòng đại diện và không được thực hiện các quyền mà doanh nghiệp hiện đang có như hoạt động xuất nhập khẩu hay áp dụng Luật phá sản khi kinh doanh thua lỗ.

Hộ kinh doanh cá thể có con dấu không?

Căn cứ theo Điều 5 của Nghị định 99/2016/NĐ-CP về điều kiện sử dụng con dấu:

  • Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước chỉ được sử dụng con dấu khi đã có quy định về việc được phép sử dụng con dấu trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền, phải đăng ký mẫu con dấu trước khi sử dụng;
  • Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước chỉ được sử dụng một con dấu theo mẫu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
mẫu con dấu hộ kinh doanh
Mẫu con dấu vuông của hộ kinh doanh tự thiết kế

Như vậy, dựa theo hai điều kiện như trên thì hộ kinh doanh sẽ không được sử dụng con dấu pháp nhân khi không có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, do pháp luật hiện nay không cấm nên hộ kinh doanh có thể tự đặt làm hay sử dụng con dấu để phục vụ kinh doanh nhưng cần tuân thủ quy định như sau:

  • Mẫu dấu không được trùng tên hoặc gây nhầm lẫn với những mẫu đã được công bố trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
  • Tùy theo mục đích sử dụng, con dấu có thể chứa thông tin như tên hộ kinh doanh, mã số thuế, địa chỉ liên lạc, số điện thoại;
  • Mẫu dấu không được vi phạm các quy định của Luật sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, con dấu của hộ kinh doanh sẽ:

  • Không có tính pháp lý và chỉ dùng để cung cấp thông tin cho khách hàng, đối tác để xác thực thông tin giao dịch;
  • Có thể làm con dấu vuông, con dấu có logo, hoặc con dấu chữ ký;
  • Có thể sử dụng nhiều con dấu khác nhau tùy theo nhu cầu và mục đích của hộ kinh doanh.

Xem thêm: Hộ kinh doanh có con dấu không? Quy định về con dấu

Hộ kinh doanh cá thể có mã số thuế không?

Hộ kinh doanh mặc dù không có tư cách pháp nhân, tuy nhiên hộ kinh doanh sẽ có mã số thuế riêng. Mã số thuế của hộ kinh doanh được Cơ quan đăng ký cấp cho cá nhân là người đại diện làm chủ hộ kinh doanh, căn cứ theo Điều 30 của Luật quản lý thuế 2019.

Theo đó, hộ kinh doanh cần phải đăng ký và sử dụng mã số thuế để thực hiện việc kê khai và nộp thuế. Căn cứ tại Khoản 8 Điều 7 của Thông tư số 105/2020/TT-BTC, hồ sơ đăng ký thuế của hộ kinh doanh bao gồm:

  • Tờ khai đăng ký thuế theo mẫu số 03-ĐK-TCT hoặc hồ sơ khai thuế của hộ kinh doanh;
  • Bảng kê cửa hàng phụ thuộc theo mẫu 03-ĐK-TCT-BK01 (nếu có);
  • Bản sao công chứng của Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
  • Bản sao công chứng của CCCD/CMND hoặc hộ chiếu của người đại diện hộ kinh doanh;
  • Giấy ủy quyền nếu người đại diện không tự mình đi đăng ký mã số thuế;
  • Bản sao công chứng của CCCD/CMND hoặc hộ chiếu của người được ủy quyền đăng ký.

Như vậy thông qua nội dung bài viết trên, bạn đã hiểu được vì sao hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân và không có con dấu. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những ưu điểm từ loại hình kinh doanh này đem lại mặc dù tư cách pháp nhân không có. Mặc khác, để phát triển kinh doanh một cách lâu dài, Lạc Việt vẫn khuyến khích bạn thành lập doanh nghiệp để đảm bảo được những quyền lợi nhất định.

Phan Châu Thịnh

Phan Châu Thịnh – Thành viên sáng lập của Công ty dịch vụ kế toán Lạc Việt. Tôi là một chuyên gia pháp lý có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Luật doanh nghiệp. Tôi chuyên tư vấn và hỗ trợ các thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký giấy phép kinh doanh, thay đổi nội dung trên Giấy đăng ký kinh doanh.



Tư vấn: 0931 398 798