Hộ kinh doanh là hình thức đăng ký kinh doanh phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam. Nếu bạn đang tìm hiểu về hộ kinh doanh là gì và có những quy định nào khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Thì nội dung dưới đây Lạc Việt sẽ giải đáp cho bạn chi tiết hơn.

hộ kinh doanh là gì
Khái niệm về hộ kinh doanh và những quy định liên quan

Hộ kinh doanh là gì?

Hộ kinh doanh là hình thức đăng ký kinh doanh được thành lập từ một cá nhân hoặc hộ gia đình, nhằm đáp ứng các điều kiện pháp luật khi tiến hành hoạt động kinh doanh.

“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ” – Trích khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Hiện nay, để đăng ký kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ về thuế với nhà nước cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cá nhân, hộ gia đình có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc đơn giản hơn là thành lập hộ kinh doanh. Đối với hộ kinh doanh thì phù hợp cho các hoạt động kinh doanh đơn giản, không cần tư cách pháp nhân và hình thức nộp thuế linh động hơn.

Quy định về hộ kinh doanh

Hiện nay, Quy định pháp luật về hộ kinh doanh tại Việt Nam được cập nhật mới nhất tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, qua đó quy định một số nội dung cụ thể như sau.

quy định về hộ kinh doanh
Những quy định mới nhất về hộ kinh doanh

Đối tượng thành lập hộ kinh doanh

Theo quy định của pháp luật thì chủ hộ kinh doanh là một trong các đối tượng sau:

  • Cá nhân đăng ký lập hộ kinh doanh;
  • Các thành viên hộ gia đình đăng ký lập hộ kinh doanh và ủy quyền cho một người đại diện làm chủ hộ kinh doanh;
  • Cá nhân, thành viên đăng ký hộ kinh doanh phải là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định.

Trách nhiệm của cá nhân đối với hộ kinh doanh

Các cá nhân, thành viên đăng ký lập hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm đối với hộ kinh doanh như sau:

  • Cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ;
  • Chủ hộ kinh doanh thực hiện các nghĩa vụ về thuế, các nghĩa vụ tài chính và các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật;
  • Chủ hộ kinh doanh đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật;
  • Chủ hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh;
  • Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.

Hộ kinh doanh có phải là doanh nghiệp không?

Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp 2020 cũng không có định nghĩa cụ thể về hộ kinh doanh và không thuộc một trong 05 loại hình doanh nghiệp hiện nay.

Hộ kinh doanh hoạt động mang tính chất riêng lẻ, không được tổ chức vận hành một cách chuyên nghiệp, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, không có con dấu và đặc biệt là không có tư cách pháp nhân. Vì vậy không được thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu và không được áp dụng Luật phá sản khi kinh doanh thua lỗ như doanh nghiệp.

Thuê người quản lý hoạt động của hộ kinh doanh

Đây là điểm mới trong quy định về hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay. Theo khoản 3 Điều 81 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hộ kinh doanh vẫn phải chịu trách nhiệm đối với khoản nợ và nghĩa vụ tài sản phát sinh từ hoạt động kinh doanh.

Đặc điểm của hộ kinh doanh

đặc điểm của hộ kinh doanh
Những đặc điểm của hộ kinh doanh

Một số đặc điểm đáng lưu ý khi cá nhân, thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký thành lập hộ kinh doanh như sau:

  • Cá nhân và các thành viên tham gia thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh (trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại).
  • Cá nhân và các thành viên trong hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng tất cả tài sản đối với nghĩa vụ thuế, các khoản nợ của hộ kinh doanh.
  • Mỗi cá nhân, thành viên hộ gia đình chỉ được đăng ký thành lập duy nhất một hộ kinh doanh.
  • Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm, nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.
  • Hộ kinh doanh rất hạn chế về việc xuất hoá đơn cho khách hàng.

Thông tin cần thiết để thành lập hộ kinh doanh

Để thực hiện việc thành lập hộ kinh doanh, cá nhân hay hộ gia đình cần làm rõ một số thông tin như sau:

  1. Tên hộ kinh doanh: “Hộ kinh doanh + Tên riêng” (nên lựa chọn thêm 1-2 tên khác dự trù việc trùng lặp tên riêng).
  2. Địa chỉ hộ kinh doanh: Là địa chỉ cơ sở kinh doanh
  3. Vốn kinh doanh: Không yêu cầu số vốn tối thiểu hoặc tối đa
  4. Thông tin liên hệ: Số điện thoại (bắt buộc) hoặc email, website (không bắt buộc).
  5. Ngành nghề kinh doanh: Có thể kinh doanh nhiều ngành nghề không bị cấm và chọn một ngành nghề chính.

Thủ tục thành lập hộ kinh doanh

Để thành lập hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh thực hiện đăng ký tại UBND cấp Huyện. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Phòng Tài chính & Kế hoạch sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đử hồ sơ hợp lệ bao gồm:

  1. Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (Phụ lục III-1, Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT ngày 8 tháng 04 năm 2023);
  2. Bản sao y chứng thực hợp lệ CCCD/CMND/Hộ chiếu của chủ hộ kinh doanh (và các thành viên hộ kinh doanh nếu có);
  3. Giấy ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
  4. Biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
  5. Văn bản ủy quyền cho người đại diện đi làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh (nếu có).

Xem thêm: Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể mới nhất 2024 

Mọi người thường hỏi

1. Chủ hộ kinh doanh có được thành lập công ty không?

Theo khoản 3 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì cá nhân, thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại. 

Như vậy, Chủ hộ kinh doanh hoặc các thành viên đăng ký hộ kinh doanh được phép tham gia thành lập 3 loại hình công ty là: Công ty cổ phần, Công ty TNHH 01 thành viên, Công ty TNHH 02 thành viên trở lên. Ngoài ra, nếu được các thành viên trong công ty hợp danh đồng ý thì có thể trở thành thành viên của công ty hợp danh.

2. Chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ kinh doanh có được mua phần vốn góp, cổ phần doanh nghiệp khác không?

Như thông tin chúng tôi đã cung cấp bên trên. Thành viên, chủ hộ kinh doanh được phép mua phần vốn góp của công ty TNHH, mua cổ phiếu, cổ phần của công ty Cổ phần.

Nhưng với tư cách của Hộ kinh doanh thì không được phép, bởi vì Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân.

3. Hộ kinh doanh có được mở nhiều địa điểm kinh doanh không?

Hộ kinh doanh được quyền mở nhiều địa điểm kinh doanh và phải thông báo tới cơ quan chức năng liên quan. Quy định này chỉ áp dụng đối với địa điểm kinh doanh, còn văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của hộ kinh doanh thì không được quyền mở.

4. Khi thay đổi thông tin đăng ký hộ kinh doanh thì phải làm thế nào?

Khi thay đổi thông tin đăng ký hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh phải gửi hồ sơ thông báo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Huyện nơi dự định đặt trụ sở mới. Hồ sơ thông báo bao gồm:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh: Phụ lục III-2 Ban hành kèm theo Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT ngày 18 tháng 4 năm 2023;
  • Biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
  • Giấy ủy quyền cho người đại diện đi làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh (nếu có).

5. Hộ kinh doanh phải chịu những loại thuế nào?

Theo quy định về quản lý thuế hiện nay, hộ kinh doanh phải chịu 3 loại thuế chính bao gồm:

  • Thuế môn bài (lệ phí môn bài);
  • Thuế giá trị gia tăng (GTGT);
  • Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)

Ngoài ra, còn có các loại thuế phải nộp khác như thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên… nếu kinh doanh hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế này.

6. Có được chuyển hộ kinh doanh lên thành công ty không?

Được quyền thành lập công ty trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh (theo khoản 1 Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP). Theo đó, hồ sơ chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành công ty bao gồm tất cả các hồ sơ trong thủ tục thành lập công ty và đính kèm thêm:

  • Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
  • Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế.

7. Doanh nghiệp được miễn thuế 03 năm đầu khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh có đúng không?

Không đúng. Đây là hiểu nhầm to lớn mà thông tin đang được phổ biến rộng rãi ngoài thị trường và cũng là câu hỏi Lạc Việt nhận được thường xuyên từ phía khách hàng. Chính sách hỗ trợ thuế này không áp dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ sau khi chuyển đổi. Vì đa số các hộ kinh doanh chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp đều là doanh nghiệp siêu nhỏ.

Lạc Việt xin giải thích như sau, việc miễn thuế môn bài 3 năm đầu tiên và các hỗ trợ về thuế khác áp dụng cho Doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tức là khi chuyển đổi xong, doanh nghiệp đã thuộc quy mô doanh nghiệp nhỏ hoặc vừa. Tiêu chí để đánh giá doanh nghiệp thuộc quy mô nhỏ và vừa được quy định tại Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP và phải đáp ứng thêm các điều kiện sau đây:

  • Trước khi thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật;
  • Hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

Doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ chưa thanh toán của hộ kinh doanh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

8. Số lượng lao động hộ kinh doanh là bao nhiêu? Trên 10 lao động có phải chuyển đổi lên công ty không?

Trước đây có quy định hộ kinh doanh chỉ được phép sử dụng dưới 10 người lao động (tại Điều 66 Nghị định 78/2015 đã hết hiệu lực từ 04/01/2021). Tuy nhiên, hiện nay pháp luật đã không còn quy định về việc giới hạn số lao động mà hộ kinh doanh được phép sử dụng.

Vì vậy, hộ kinh doanh được quyền sử dụng lao động mà không bị giới hạn về số lượng và không bắt buộc phải phải chuyển đổi lên công ty khi sử dụng quá 10 lao động.

Mong rằng qua bài viết này, bạn có thể giải đáp được thông tin về hộ kinh doanh là gì, cũng như đặc điểm và những quy định về hộ kinh doanh theo luật pháp Việt Nam. Qua đó có thể đăng ký thành lập hộ kinh doanh cho gia đình để triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng các quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh và nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Liên hệ tới Lạc Việt khi bạn có thắc mắc về hộ kinh doanh và các thủ tục khác.

Phan Châu Thịnh

Phan Châu Thịnh – Thành viên sáng lập của Công ty dịch vụ kế toán Lạc Việt. Tôi là một chuyên gia pháp lý có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Luật doanh nghiệp. Tôi chuyên tư vấn và hỗ trợ các thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký giấy phép kinh doanh, thay đổi nội dung trên Giấy đăng ký kinh doanh.



Tư vấn: 0931 398 798