Báo cáo tài chính là một tài liệu quan trọng cung cấp thông tin về tình hình tài chính của một tổ chức, doanh nghiệp. Báo cáo tài chính (BCTC) sẽ giúp các nhà đầu tư theo dõi và nắm bắt được thông tin tài chính trước khi quyết định đầu tư. Để tìm hiểu chi tiết hơn, bạn có thể theo dõi trong nội dung bài viết dưới đây của Lạc Việt.

báo cáo tài chính là gì
Báo cáo tài chính là gì? Quy trình và cách lập BCTC

Báo cáo tài chính là gì?

Báo cáo tài chính (BCTC) là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính được trình bày dưới dạng bảng biểu, cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình kinh doanh, tài chính và luồng tiền của doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính không chỉ phản ánh khả năng sinh lời và thực trạng tài chính của doanh nghiệp mà còn là công cụ quan trọng để trình bày thông tin này đến các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ quan thuế, ngân hàng và các cơ quan chức năng khác.

báo cáo tài chính
Khái niệm về báo cáo tài chính (BCTC).

Theo Luật Kế toán số 88/2015/QH13 và các quy định pháp luật liên quan, tất cả các doanh nghiệp hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đều có nghĩa vụ lập và trình bày báo cáo tài chính hàng năm.

Đối với các công ty có đơn vị kinh tế trực thuộc, họ cần lập thêm báo cáo tài chính (BCTC) tổng hợp vào cuối kỳ kế toán. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán cần lập báo cáo tài chính giữa niên độ (báo cáo quý) đầy đủ, bên cạnh báo cáo tài chính năm.

Báo cáo tài chính bao gồm những gì?

báo cáo tài chính gồm những gì
Báo cáo tài chính (BCTC) gồm những gì?

Báo cái tài chính cuối năm sẽ bao gồm:

  • Tờ khai quyết toán thuế;
  • Bảng cân đối kế toán;
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
  • Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu;
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Nội dung của báo cáo tài chính cần thể hiện thông tin về tài sản, nợ, vốn, doanh thu, chi phí, lãi lỗ, thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước liên quan đến luồng tiền của doanh nghiệp trên báo cáo tiền tệ. Dưới đây là thông tin chi tiết của từng nội dung:

1. Tờ khai quyết toán thuế

Tờ khai quyết toán thuế là một phần quan trọng trong báo cáo tài chính, doanh nghiệp sẽ trình bày thông tin chi tiết về thuế phải nộp và các khoản thuế đã tạm nộp trong kỳ. Đối với thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), doanh nghiệp cần hoàn thành tờ khai theo mẫu 03/TNDN và các phụ lục đi kèm theo quy định của Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

mẫu tờ khai quyết toán thuế TNDN
Mẫu tờ khai quyết toán thuế TNDN

2. Bảng cân đối kế toán

bàng cân đối kế toán
Mẫu bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp

Bảng cân đối kế toán cung cấp cái nhìn tổng quan và chi tiết về tình hình tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm cụ thể. Bảng này được chia thành hai phần chính:

  • Phần tài sản: bao gồm tất cả những gì doanh nghiệp sở hữu như tài sản lưu động và tài sản cố định, phản ánh giá trị toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp;
  • Phần nguồn vốn: bao gồm nợ phải trả và vốn chủ sở hữi, liệt kê các khoản đầu tư, khoản phải thu, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận chưa phân phối và các quỹ.

Bảng cân đối kế toán không chỉ giúp kiểm tra tính thanh khoản của doanh nghiệp, mà còn là công cụ để đánh giá nguồn hình thành các loại tài sản và khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp.

3. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Mẫu báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, còn được gọi là báo cáo thu nhập hay báo cáo lãi lỗ, là một phần không thể thiếu trong báo cáo tài chính doanh nghiệp. Báo cáo này cung cấp cái nhìn tổng quan về hiệu quả bán hàng và hoạt động kinh doanh, cụ thể bao gồm:

  • Doanh thu: Tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ;
  • Giá vốn hàng hóa: Chi phí trực tiếp liên quan đến việc sản xuất hoặc mua bán hàng hóa, dịch vụ;
  • Lợi nhuận gộp: Doanh thu trừ đi giá vốn hàng bán;
  • Chi phí hoạt động: Bao gồm chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp;
  • Lợi nhuận trước thuế: Lợi nhuận gộp trừ đi chi phí hoạt động;
  • Thuế TNDN: Khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho nhà nước;
  • Lợi nhuận sau thuế: Lợi nhuận trước thuế trừ đi thuế TNDN;
  • Các khoản thu nhập và chi phí khác: Bao gồm các khoản không thường xuyên và không liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh chính.

Từ những báo cáo trên, các nhà đầu tư và các bên liên quan đánh giá được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết định đầu tư và quản lý hiệu quả. Nếu tổng chi phí nhỏ hơn tổng doanh thu và thu nhập, doanh nghiệp sẽ có lãi, ngược lại sẽ lỗ.

4. Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu

Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu là một báo cáo tài chính cho biết vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã thay đổi như thế nào trong một kỳ kế toán nhất định. Báo cáo này giải thích nguyên nhân của sự thay đổi, có thể là do chủ sở hữu đầu tư thêm hoặc rút vốn, hoặc do doanh nghiệp có lãi hoặc lỗ trong kỳ. Ngoài ra, báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu sẽ giúp cho người sử dụng báo cáo tài chính nắm bắt được nguồn gốc của vốn chủ sở hữu và tình hình tài chính của doanh nghiệp.

5. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một phần cốt lõi của báo cáo tài chính, cung cấp thông tin chi tiết về dòng tiền ra vào của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán nhất định. Báo cáo này được chia thành ba phần chính, bao gồm:

  • Hoạt động kinh doanh: Bao gồm dòng tiền từ việc bán hàng và cung cấp dịch vụ, chi phí mua hàng, lương nhân viên, và các chi phí vận hành khác;
  • Hoạt động đầu tư: Liên quan đến dòng tiền từ việc mua bán tài sản cố định, đầu tư vào công ty con, và các hoạt động thanh lý;
  • Hoạt động tài chính: Bao gồm dòng tiền từ việc vay và trả nợ, phát hành cổ phiếu, và các hoạt động tài chính khác.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ không chỉ thể hiện khả năng tài chính và thanh khoản của doanh nghiệp mà còn cho thấy việc sử dụng vốn và đáp ứng nhu cầu chi tiêu. Ngoài ra, đây cũng là một chỉ số quan trọng để đánh giá tình hình tài chính, nhận biết các vấn đề tiềm ẩn và ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư.

Phân loại các báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính có thể được phân loại dựa trên nội dung và thời điểm lập báo cáo, thông thường sẽ có hai loại chính:

  • Báo cáo tài chính hợp nhất: Tổng hợp tình hình tài chính và kinh doanh của cả công ty mẹ và các công ty con, bao gồm cả các công ty liên kết trong cùng hệ sinh thái;
  • Báo cáo tài chính riêng lẻ: Phản ánh tình hình tài chính và kinh doanh của một doanh nghiệp cụ thể.

Về thời điểm lập báo cáo, có hai loại:

  • Báo cáo tài chính hàng năm: Được lập theo năm dương lịch hoặc kỳ kế toán hằng năm, đảm bảo đủ 12 tháng, thường sau khi có thông báo của cơ quan thuế;
  • Báo cáo tài chính giữa niên độ: Bao gồm báo cáo từng quý và báo cáo bán niên, thường được xây dựng theo một mẫu cụ thể và tóm lược nhưng đầy đủ thông tin.

Thời hạn nộp báo cáo tài chính

Thời hạn nộp báo cáo tài chính (BCTC) và hồ sơ quyết toán thuế cho các doanh nghiệp ở Việt Nam được quy định như sau:

1. Đối với doanh nghiệp Nhà nước:

  • Báo cáo tài chính quý sẽ nộp chậm nhất là 20 ngày sau kết thúc kỳ kế toán quý;
  • Báo cáo tài chính năm sẽ nộp chậm nhất là 30 ngày sau kết thúc kỳ kế toán năm;
  • Đối với công ty mẹ và tổng công ty Nhà nước: BCTC năm phải nộp trong vòng 90 ngày;
  • Các đơn vị kế toán trực thuộc: Nộp BCTC theo thời hạn quy định của công ty mẹ.

2. Đối với doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh:

  • Báo cáo tài chính năm sẽ nộp chậm nhất là 30 ngày sau kết thúc kỳ kế toán năm.

Tham khảo thêm: Thời hạn nộp báo cáo tài chính, báo cáo thuế năm 2024

Quy trình lập báo cáo tài chính (BCTC)

Lập và trình bày báo cáo tài chính (BCTC) là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, cẩn thận và tốn kém về mặt thời gian, nhưng không phải lúc nào cũng mang lại kết quả chính xác. Theo quy định của Bộ Tài Chính, các bước để lập báo cáo tài chính nhanh và chính xác gồm các bước:

Bước 1: Sắp xếp chứng từ kế toán

Việc chuẩn bị các chứng từ kế toán là bước đầu tiên trong quá trình soạn thảo báo cáo tài chính. Công việc này yêu cầu sự cẩn thận và tuân thủ đúng trình tự, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kê khai và kiểm tra báo cáo.

Bước 2: Hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh

Để đảm bảo tính hợp lệ và hợp pháp của các chứng từ, bộ phận kế toán cần kiểm tra cẩn thận những chứng từ đã được sắp xếp trước đó. Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh có thể bao gồm phiếu thu, phiếu xuất kho, phiếu nợ,…

Bước 3: Phân loại các nghiệp vụ phát sinh theo tháng, quý

Phân loại các nghiệp vụ phát sinh cần được thực hiện một cách rõ ràng, nhằm đảm bảo việc kê khai báo cáo tài chính đúng chuẩn, bao gồm các chi phí trả trước, chi phí khấu hao,…

Bước 4: Rà soát và tổng hợp các nghiệp vụ phát sinh theo từng nhóm tài khoản

Thực hiện việc kiểm tra tổng hợp dựa trên từng nhóm tài khoản, bao gồm: hàng hóa tồn kho, các khoản công nợ phải thu/phải trả, các khoản đầu tư, các khoản chi phí đã trả trước, tài sản cố định, doanh thu, giá vốn, và chi phí quản lý.

Bước 5: Bút toán tổng hợp và kết chuyển

Sau khi đã rà soát và tổng hợp các nghiệp vụ, bạn cần tiến hành bút toán tổng hợp và kết chuyển.

Bước 6: Lập báo cáo tài chính trên phần mềm HTKK

Cuối cùng, kế toán viên tiến hành lập báo cáo tài chính theo quy định trên phần mềm HTKK để hoàn tất kê khai. Sau khi hoàn thiện 6 bước này, doanh nghiệp sẽ tiến hành nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, lưu ý phải in ấn và lưu hồ sơ.


Trên đây là kiến thức cơ bản về báo cáo tài chính doanh nghiệp mà Lạc Việt muốn chia sẻ đến bạn. Nếu doanh nghiệp của bạn cần hỗ trợ trong việc lập báo cáo tài chính, có thể tham khảo thêm dịch vụ báo cáo tài chính của chúng tôi để được hỗ trợ một cách tốt nhất.

Phạm An Nhàn

Tôi là Phạm An Nhàn – CEO tại Công ty dịch vụ kế toán Lạc Việt. Bằng những hiểu biết và kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực kế toán, thuế. Tôi muốn chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình để mang lại nhiều giá trị về kế toán, thuế để đem lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp.



Tư vấn: 0931 398 798