Trong quá trình hoạt động, không ít chủ hộ kinh doanh phải đối mặt với tình trạng tài chính không ổn định và phải đưa ra quyết định giải thể hộ kinh doanh. Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh cá thể không phải lúc nào cũng đơn giản. Trong bài viết này, hãy cùng Lạc Việt điểm qua các bước để giải thể hộ kinh doanh cá thể một cách chi tiết.

giải thể hộ kinh doanh cá thể
Trình tự thủ tục giải thể hộ kinh doanh cá thể

Các trường hợp cần giải thể hộ kinh doanh

Trong thời đại hiện nay, việc lựa chọn hình thức đăng ký hộ kinh doanh cá thể để khởi nghiệp là một xu hướng phổ biến. Điều này không chỉ bởi vì nó đòi hỏi ít vốn đầu tư ban đầu, mà còn do quy trình đăng ký kinh doanh nhanh chóng và mức thuế ưu đãi. Đôi khi, trong quá trình hoạt động sẽ không thể tránh khỏi một số khó khăn và trở ngại dẫn đến việc phải tạm dừng hoạt động hộ kinh doanh.

trường hợp cần giải thể hộ kinh doanh
Một số trường hợp cần giải thể hộ kinh doanh

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể dẫn đến việc giải thể hộ kinh doanh bao gồm:

  • Do tình hình dịch bệnh kéo dài không thể tiếp tục hoạt động nên buộc phải đóng cửa;
  • Khi hiệu suất hoạt động không hiệu quả nên chủ hộ kinh doanh quyết định giải thể;
  • Chủ hộ kinh doanh muốn giải thể để chuyển đổi sang một loại hình kinh doanh mới;
  • Hộ kinh doanh di chuyển đến một tỉnh/thành khác nên buộc phải giải thể hộ kinh doanh tại địa chỉ cũ.

Thủ tục giải thể hộ kinh doanh cá thể

Trình tự thủ tục để giải thể hộ kinh doanh cá thể cũng gần giống với thủ tục giải thể công ty, tuy nhiên hồ sơ và thời gian thực hiện sẽ đơn giản và nhanh chóng hơn. Dưới đây là chi tiết các bước thực hiện:

Bước 1: Hoàn tất nghĩa vụ thuế và các khoảng nợ trước khi giải thể

Bước đầu tiên trong quy trình giải thể hộ kinh doanh cá thể là hoàn tất nghĩa vụ thuế và đóng mã số thuế. Đây là bước quan trọng để đảm bảo tất cả các khoản thuế và nghĩa vụ tài chính liên quan đã được thanh toán đầy đủ trước khi chấm dứt hoạt động kinh doanh.

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 92 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 15 Thông tư 105/2020/BTC, hộ kinh doanh khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế cần thực hiện những nghĩa vụ sau:

  • Thanh toán đầy đủ các khoản nợ cho chủ nợ hiện hữu của hộ kinh doanh, trường hợp hộ kinh doanh không có đủ khả năng thanh toán ngay thì phải có biên bản thỏa thuận giữa hộ kinh doanh và các chủ nợ;
  • Thanh toán đầy đủ tiền lương, thưởng cho người lao động hoặc biên bản thỏa thuận giữa hộ kinh doanh và người lao động về biện pháp xử lý tiền lương, thưởng;
  • Nộp đủ các khoản thuế phát sinh trong thời gian hoạt động tính đến thời điểm giải thể hộ kinh doanh như thuế môn bài, thuế khoán;
  • Nếu hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn phải làm thông báo hủy hóa đơn, nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến thời điểm giải thể cho cơ quan thuế quản lý.

Bước 2: Nộp hồ sơ xin đóng mã số thuế tại cơ quan thuế

Chủ hộ kinh doanh sau khi đã hoàn tất nghĩa vụ về thuế tại bước một, ở bước hai sẽ cần nộp hồ sơ xin đóng mã số thuế hộ kinh doanh (chấm dứt hiệu lực mã số thuế).

Hồ sơ xin đóng mã số thuế của hộ kinh doanh sẽ bao gồm các tài liệu:

  • Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo mẫu số 24/ĐK-TCT;
  • Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế (bản gốc).

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các tài liệu trên, chủ hộ kinh doanh sẽ nộp hồ sơ trực tiếp tại Chi cục thuế tại cấp quận/huyện. Trong thời gian 2 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan thuế nhận được hồ sơ xin đóng mã số thuế của hộ kinh doanh, khi đó:

  • Cơ quan thuế sẽ phát hành thông báo về việc người nộp thuế ngừng hoạt động và đang trong quá trình làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo mẫu số 17/TB-ĐKT;
  • Cơ quan thuế sẽ cập nhật tình trạng mã số thuế của hộ kinh doanh cá thể trên hệ thống chuyển sang trạng thái “người nộp thuế ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấp dứt hiệu lực mã số thuế”.

Tiếp theo, khi hộ kinh doanh đã thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, trong vòng 3 ngày làm việc, cơ quan thuế sẽ:

  • Phát hành thông báo về việc hộ kinh doanh đã chính thức chấm dứt mã số thuế theo mẫu số 18/TB-ĐKT;
  • Cấp giấy xác nhận việc hộ kinh doanh đã hoàn thành tất cả nghĩa vụ về thuế.

Bước 3: Làm thủ tục xin giải thể hộ kinh doanh

Bước cuối cùng, sau khi hoàn thành việc đóng mã số thuế của hộ kinh doanh cá thể, chủ hộ sẽ thực hiện thủ tục xin giải thể hộ kinh doanh (chấm dứt hoạt động) tại Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp quận/huyện.

Hồ sơ làm thủ tục giải thể hộ kinh doanh gồm có:

  • Giấy phép đăng ký hộ kinh doanh cá thể (bản chính);
  • Thông báo về việc chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh;
  • Thông báo từ cơ quan thuế xác nhận việc hoàn tất nghĩa vụ về thuế được cấp ở bước 2;
  • Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của hộ kinh doanh theo mẫu số 18/TB-ĐKT;
  • Biên bản họp của các thành viên trong gia đình về việc chấm dứt hoạt động kinh doanh cá thể (trong trường hợp hộ kinh doanh được thành lập bởi các thành viên trong gia đình).

Sau khi đã nộp đầy đủ những tài liệu như trên, trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan cơ thẩm quyền sẽ phát hành thông báo chính thức về việc ngừng hoạt động của hộ kinh doanh cá thể.

Lưu ý:

Nếu chủ hộ kinh doanh tự ý ngừng hoạt động mà không làm thủ tục thông báo hoặc không nộp lại giấy đăng ký kinh doanh cho Phòng Tài chính – Kế hoạch của UBND cấp quận/huyện. Khi đó, chủ hộ kinh doanh có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ.

Mẫu thông báo chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh

Theo quy định của Phụ lục III-5 đi kèm với Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT, bắt đầu từ ngày 01/07/2023, mẫu thông báo mới nhất về việc thông báo chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh sẽ được thực hiện theo mẫu sau:

thông báo về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh
Mẫu thông báo mới nhất về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh

Các câu hỏi thường gặp khi giải thể hộ kinh doanh

1. Thời gian thực hiện thủ tục giải thể hộ kinh doanh trong bao lâu?

Thời gian thực hiện thủ tục giải thể hộ kinh doanh cá thể có thể mất từ 30 đến 60 ngày làm việc, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và cơ quan thuế quản lý.

2. Phí giải thể hộ kinh doanh cá thể bao nhiêu tiền?

Lệ phí nộp nhà nước là 100.000đ/lần nộp, tuy nhiên phí sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng tỉnh/thành. Để rút ngắn quy trình giải thể, bạn có thể sử dụng dịch vụ giải thể hộ kinh doanh, với phí chỉ từ 1.500.000đ tại Lạc Việt.

3. Nộp hồ sơ làm thủ tục giải thể hộ kinh doanh ở đâu?

Hồ sơ giải thể có thể nộp tại Phòng Tài Chính – Kế hoạch cấp quận/huyện, nơi đặt trụ sở của hộ kinh doanh cá thể.

4. Ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo có bị phạt không?

Có, nếu chủ hộ kinh doanh không làm thủ tục thông báo chấm dứt hoạt động đến cơ quan có thẩm quyền, chủ hộ có thể sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.


Từ những thông tin chia sẻ của Lạc Việt ở trên về thủ tục giải thể hộ kinh doanh cá thể, bạn hoàn toàn có thể tự thực hiện theo trình tự các bước. Trong quá trình tìm hiểu và thực hiện, nếu có bất kỳ câu hỏi nào về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh, có thể liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn thêm.

Phan Châu Thịnh

Tôi là Phan Châu Thịnh – CEO tại Công ty dịch vụ kế toán Lạc Việt. Bằng những hiểu biết và kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực kế toán, thuế và luật doanh nghiệp. Tôi muốn chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình để mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp.



Tư vấn: 0931 398 798