Trong bài viết này, hãy cùng Lạc Việt tìm hiểu về cách tính thuế và các loại thuế của hộ kinh doanh nhỏ lẻ chi tiết. Hiểu được cách tính thuế sẽ giúp chủ hộ kinh doanh tự tin quản lý về tài chính và tuân thủ các quy định về thuế chính xác.

cách tính thuế hộ kinh doanh nhỏ lẻ
Hướng dẫn tính thuế cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ

Hộ kinh doanh nhỏ lẻ có phải nộp thuế không?

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định cụ thể đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ như sau:

  • Hộ kinh doanh có mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm sẽ không phải nộp thuế;
  • Với mức doanh thu từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm, hộ kinh doanh phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo mức thuế suất ưu đãi 5%;
  • Nếu mức doanh thu từ 200 triệu đồng/năm trở lên, chủ hộ kinh doanh phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo mức thuế suất thông thường (7% đối với người cư trú, 10% đối với người không cư trú).

Theo đó, hộ kinh doanh nhỏ lẻ sẽ phải nộp thuế TNCN và thuế GTGT theo quy định nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Cách tính thuế hộ kinh doanh nhỏ lẻ

Đối với hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, việc tính thuế được áp dụng theo phương pháp thuế khoán, tức là dựa trên tổng doanh thu thực tế của hộ kinh doanh. Dưới đây là cách tính thuế của một số loại thuế phải nộp đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ:

1. Lệ phí (thuế) môn bài

lệ phí môn bài hộ kinh doanh nhỏ lẻ
Cách tính lệ phí môn bài của hộ kinh doanh nhỏ lẻ

Theo Khoản 1 tại Điều 1 của Nghị định 22/2020/NĐ-CP, mức thu lệ phí môn bài đối với hộ kinh doanh cá thể được tính dựa theo doanh thu bình quân hàng năm cụ thể như sau:

Trường hợp Mức đóng
Doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm
Cá nhân, hộ gia đình kinh doanh không thường xuyên, không có địa điểm cố định; Hộ kinh doanh sản xuất muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá
Miễn phí lệ phí môn bài
Doanh thu từ 100 triệu đến 300 triệu/năm 300.000đ/ năm
Doanh thu từ 300 triệu đến 500 triệu/năm 500.000đ/ năm
Doanh thu trên 500triệu/năm 1.000.000đ/ năm
Hộ kinh doanh cá thể (nhỏ lẻ) thành lập mới sau ngày 25/02/2020 Miễn phí lệ phí môn bài năm đầu

Ví dụ 1: Hộ kinh doanh chị B được thành lập vào tháng 5/2023 (sau ngày 25/02/2020), khi đó sẽ được miễn lệ phí môn bài cho năm 2023.

Ví dụ 2: Từ ví dụ ở trên, trong năm 2024, nếu doanh thu của hộ kinh doanh chị B đạt 250 triệu đồng, chị B sẽ cần nộp mức thuế môn bài là 500.000đ/ năm.

Thời điểm xác định doanh thu để tính thuế môn bài cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ sẽ bắt đầu từ tháng 1 của năm sau năm thành lập hộ kinh doanh. Hiểu đơn giản, cho dù hộ kinh doanh được thành lập vào bất kỳ tháng nào trong năm, thì doanh thu sẽ được tính từ đầu năm tiếp theo để xác định nghĩa vụ thuế môn bài.

2. Thuế GTGT

cách tính thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh
Cách tính thuế GTGT của hộ kinh doanh nhỏ lẻ

Thuế GTGT của hộ kinh doanh được tính dựa trên doanh thu, nếu doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN. Công thức tính thuế GTGT như sau:

Số tiền thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ phần trăm thuế GTGT

Ví dụ: Hộ kinh doanh của Bà C nộp thuế theo phương pháp thuế khoán. Năm 2024, hộ kinh doanh của bà C hoạt động trong 8 tháng, với tổng doanh thu thực tế là 160 triệu đồng (trung bình 20 triệu đồng/tháng). Doanh thu tương ứng của một năm (12 tháng) là 240 triệu đồng (>100 triệu đồng).

Tuy nhiên, do bà C chỉ hoạt động trong 8 tháng, nên bà C phải nộp thuế GTGT tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh là 160 triệu đồng. Giả sử tỷ lệ thuế GTGT là 5% cho ngành nghề kinh doanh của bà C, số thuế GTGT phải nộp sẽ được tính như sau:

Số tiền thuế GTGT phải nộp = 160.000.000 x 5% = 8.000.000 đồng

3. Thuế TNCN

Đối với cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh không đủ 12 tháng:

  • Cá nhân mới ra kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo thời vụ, cá nhân ngừng kinh doanh trong năm thì doanh thu 100 triệu đồng/năm được xác định trên doanh thu tính thuế TNCN của 12 tháng;
  • Doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh.

Theo đó, công thức tính thuế TNCN của hộ kinh doanh sẽ được tính như sau:

Số tiền thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ phần trăm thuế TNCN

Ví dụ: Hộ kinh doanh của Ông A chuyên cung cấp và phân phối hàng hóa tiêu dùng, tổng doanh thu trong năm 2024 là 200 triệu đồng. Như vậy, tỷ lệ thuế TNCN được áp dụng đối với hộ kinh doanh của Ông A là 0.5%. Để tính thuế TNCN mà Ông A phải nộp, Lạc Việt sẽ áp dụng theo công thức sau:

Số tiền thuế TNCN phải nộp = 200.000.000 x 0.5% = 1.000.000 đồng

Trong đó:

Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là doanh thu đã bao gồm thuế đối với những trường hợp phải đóng thuế. Bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ trong kỳ tính thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Đối với trường hợp hộ kinh doanh cá thể nộp thuế khoán, khi có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì phải kê khai và nộp thuế như sau:

Doanh thu tính thuế = Doanh thu khoán + Doanh thu của hóa đơn

Đối với trường hợp hộ kinh doanh cá thể nộp thuế khoán và không sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì phải kê khai và nộp thuế như sau:

Doanh thu tính thuế = Doanh thu khoán

Bên cạnh những loại thuế nêu trên, hộ kinh doanh cá thể còn phải nộp thêm thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên…, trong trường hợp kinh doanh mặt hàng nằm trong diện phải nộp các loại thuế này theo quy định của pháp luật.

Tham khảo thêm: Công cụ tính thuế thu nhập cá nhân online chính xác

Cách xác định doanh thu tính thuế hộ kinh doanh

Khi hộ kinh doanh cá thể không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định nhưng không hợp lý, cơ quan thuế có thẩm quyền sẽ áp mức thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Tỷ lệ phần trăm thuế được áp dụng trên tổng doanh thu bao gồm tỷ lệ thuế GTGT và thuế TNCN tùy thuộc vào từng ngành nghề cụ thể.

Đối với các hộ kinh doanh đăng ký hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau, chủ hộ sẽ phải thực hiện việc khai báo và tính toán thuế dựa trên tỷ lệ phần trăm thuế áp dụng cho từng ngành nghề mà họ đang hoạt động.

Ngành nghề Tỷ lệ % thuế GTGT Tỷ lệ % thuế TNCN
Phân phối, cung cấp hàng hóa 1% 0.5%
Dịch vụ, xây dựng không thầu nguyên vật liệu 5% 2%
Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu 3% 1.5%

Thời điểm để xác định được doanh thu tính thuế:

  • Đối với hộ kinh doanh tính thuế khoán: Từ ngày 20/11 đến 15/12 năm trước năm tính thuế;
  • Đối với hộ kinh doanh nộp thuế khoán mới ra kinh doanh hoặc thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh trong năm: Trong vòng 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh hoặc ngày thay đổi;
  • Đối với hộ kinh doanh tính thuế theo hóa đơn: Khi bàn giao hàng hóa, hoàn thành dịch vụ hoặc nghiệm thu, bàn giao công trình.

Hộ kinh doanh nhỏ lẻ có cần đăng ký kinh doanh?

Căn cứ theo Nghị định 39/2007/NĐ-CP về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và không phải đăng ký kinh doanh và Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, các ngành nghề kinh doanh nhỏ lẻ không phải đăng ký kinh doanh bao gồm:

  • Bán hàng rong, bán hàng tại chợ, bán hàng ở các điểm tập kết kinh doanh tự phát;
  • Hoạt động đánh giày, cắt tóc, gội đầu, uốn tóc, làm móng, tắm giặt;
  • Hoạt động bán sách, báo, tạp chí, vé số và các mặt hàng lưu niệm;
  • Hoạt động bán buôn, bán lẻ hàng hóa qua hình thức đặt hàng trực tiếp khi người tiêu dùng đến nhà cung cấp hàng hóa để mua hàng, thực hiện thanh toán, nhận giao hàng tại chỗ và không phải là hợp đồng đặt hàng trả tiền trước;
  • Hoạt động kinh doanh dịch vụ chụp ảnh, quay phim không sử dụng hợp đồng;
  • Hoạt động cung cấp dịch vụ Internet công cộng và dịch vụ cho thuê máy tính tại quán Internet;
  • Hoạt động bán hàng ăn, uống tại vỉa hè, lề đường;
  • Hoạt động dạy học tại nhà, dạy kèm ngoài giờ;
  • Hoạt động kinh doanh dịch vụ trông giữ xe không cố định.

Như vậy, trừ những trường hợp ngoại lệ như trên thì các cá nhân khi kinh doanh nhỏ lẻ cần phải đăng ký kinh doanh theo những ngành nghề mà Pháp luật quy định.


Với những thông tin được Lạc Việt chia sẻ ở trên về cách tính thuế hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hi vọng sẽ giúp bạn thực hiện việc tính thuế một cách chính xác nhất. Trong quá trình thực hiện, nếu có bất kỳ khó khăn hay câu hỏi nào liên quan đến thuế của hộ kinh doanh, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.

Phan Châu Thịnh

Tôi là Phan Châu Thịnh – CEO tại Công ty dịch vụ kế toán Lạc Việt. Bằng những hiểu biết và kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực kế toán, thuế và luật doanh nghiệp. Tôi muốn chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình để mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp.



Tư vấn: 0931 398 798