Trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp có thể phát sinh việc thay đổi địa điểm kinh doanh vì nhiều lý do khác nhau như: mở rộng quy mô, thuận tiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển đến địa điểm có chi phí thuê mặt bằng thấp hơn. Hãy cùng Lạc Việt tìm hiểu chi tiết về trình tự thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh mới nhất trong nội dung bài viết dưới đây.
Thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh
Quy trình thay đổi địa điểm kinh doanh bao gồm các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Doanh nghiệp khi có ý định muốn thay đổi địa điểm kinh doanh cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định, hồ sơ sẽ gồm có 3 bộ:
- Bộ hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh;
- Bộ hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế nơi chuyển đi;
- Bộ hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế nơi chuyển đến.
Bước 2: Nộp hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh
Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của địa điểm kinh doanh bằng một trong hai hình thức sau:
- Nộp trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT;
- Nộp trực tuyến thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
Bước 3: Nhận thông báo chuyển địa điểm
Sau khi doanh nghiệp đã nộp đầy đủ hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ kiểm tra tính hợp lệ từ những thông tin mà doanh nghiệp cung cấp. Trong thời hạn từ 03 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông báo quyết định về việc chuyển địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp.
Bước 4: Thực hiện thủ tục tại cơ quan thuế
Thay đổi địa chỉ của địa điểm kinh doanh dẫn đến việc thay đổi cơ quan thuế quản lý khi:
- Điểm kinh doanh nằm ở tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, với công ty chi nhánh chủ quản, và thay đổi địa chỉ sang một quận/khác hoặc một tỉnh/thành phố khác;
- Điểm kinh doanh nằm trong cùng tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, với công ty chi nhánh chủ quản, và thay đổi địa chỉ sang một tỉnh/thành phố khác.
Do đó, doanh nghiệp cần tiến hành nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp và tại cơ quan thuế nơi doanh nghiệp chuyển địa điểm kinh doanh đến.
Hồ sơ chuyển địa điểm kinh doanh
1. Hồ sơ thay đổi địa điểm kinh doanh cùng quận
Trong trường hợp doanh nghiệp làm thông báo thay đổi địa điểm kinh doanh cùng quận/huyện, hồ sơ gồm có:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của địa điểm kinh doanh theo mẫu Phụ lục II-9;
- Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh (bản sao không cần công chứng);
- Biên bản họp về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (đối với Công ty cổ phần và Công ty TNHH);
- Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ trong trường hợp người đại diện không tự nộp;
- Bản sao CMND/CCCD hoặc hộ chiếu của người trực tiếp nộp hồ sơ.
2. Hồ sơ thay đổi địa điểm kinh doanh khác quận
Trong trường hợp doanh nghiệp làm thông báo thay đổi địa điểm kinh doanh khác quận, hồ sơ gồm có:
2.1 Hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của địa điểm kinh doanh theo mẫu Phụ lục II-9;
- Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh (bản sao không cần công chứng);
- Biên bản họp về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (đối với Công ty cổ phần và Công ty TNHH);
- Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ trong trường hợp người đại diện không tự nộp;
- Bản sao CMND/CCCD hoặc hộ chiếu của người trực tiếp nộp hồ sơ.
2.2 Hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế tại quận/huyện cũ
- Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế theo mẫu số 08-MST;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh.
2.3 Hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế tại quận/huyện mới
- Văn bản đăng ký chuyển địa điểm tại cơ quan thuế nơi người nộp thuế chuyển đến theo mẫu số 30/ĐK-TCT;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh.
Mẫu thông báo thay đổi địa điểm kinh doanh
Mẫu thông báo thay đổi địa chỉ cho địa điểm kinh doanh được đính kèm tại Phụ lục II-9 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT.
Một số lưu ý khi thay đổi địa điểm kinh doanh
Để thực hiện việc thay đổi (chuyển) địa điểm kinh doanh được diễn ra nhanh chóng và chính xác, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Chuẩn bị hồ sơ chuyển địa điểm kinh doanh đầy đủ theo quy định;
- Thực hiện việc nộp hồ sơ theo đúng trình tự như Lạc Việt đã hướng dẫn ở trên;
- Điều chỉnh thông tin địa chỉ kinh doanh trên các tài liệu liên quan.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần lưu ý thêm:
- Trong trường hợp doanh nghiệp thay đổi địa điểm kinh doanh làm thay đổi cơ quan thuế quản lý, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định về thuế và hoàn thành mọi thủ tục cần thiết với cơ quan thuế mới.
- Nếu doanh nghiệp chuyển địa điểm kinh doanh trong cùng một tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, doanh nghiệp không cần phải thông báo hay cập nhật thay đổi trong đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Câu hỏi thường gặp khi thay đổi địa điểm kinh doanh
1. Nộp hồ sơ thay đổi địa điểm kinh doanh ở đâu?
Hồ sơ thay đổi địa điểm kinh doanh sẽ được nộp trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT hoặc nộp trực tuyến trên Cổng thông tin quốc gia.
2. Có cần phải chốt thuế trước khi chuyển địa điểm kinh doanh sang quận khác không?
Khi doanh nghiệp làm thủ tục chuyển địa điểm kinh doanh sang một quận/huyện khác làm thay đổi cơ quan thuế quản lý. Khi đó, doanh nghiệp cần làm thủ tục về thuế như sau:
- Thông báo cho cơ quan thuế về việc chuyển địa điểm kinh doanh;
- Hoàn thành các nghĩa vụ thuế, phí và lệ phí tại chi cục thuế cũ;
- Đăng ký thuế, phí và lệ phí tại chi cục thuế mới.
3. Thay đổi địa điểm kinh doanh có cần thay đổi Giấy phép kinh doanh (GPKD) không?
Không! Khi thay đổi địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp không cần thay đổi Giấy phép kinh doanh mới mà chỉ cần làm thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh.
4. Thời gian thực hiện thủ tục chuyển địa điểm kinh doanh là bao lâu?
- Thời gian thực hiện thủ tục thay đổi địa chỉ trên giấy phép kinh doanh từ 3 – 4 ngày làm việc;
- Thời gian nộp hồ sơ lên cơ quan thuế để nhận thông báo chuyển quận/huyện từ 10 – 15 ngày làm việc.
Việc thay đổi địa điểm kinh doanh là một quyết định quan trọng và có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, để đảm bảo tính hợp pháp và tránh các rủi ro pháp lý, doanh nghiệp cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và hoàn thành đầy đủ các thủ tục hành chính.