Theo quy định, kinh doanh vận tải là ngành nghề có điều kiện và cần xin giấy phép con. Vậy cá nhân/tổ chức cần đáp ứng điều kiện gì để có thể kinh doanh vận tải? Thủ tục, hồ sơ xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là gì? Hãy cùng Lạc Việc tìm hiểu cụ thể về quy định về giấy phép kinh doanh vận tải ở nội dung sau đây nhé.
Giấy phép kinh doanh vận tải là gì?
Giấy phép kinh doanh vận tải hay giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là một loại giấy tờ pháp lý được cấp bởi Sở Giao Thông Vận Tải, cấp phép cho các cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh các dịch vụ vận tải như vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy hoặc đường hàng không.
Mẫu Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hiện nay
Nội dung được thể hiện trên Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được quy định tại Khoản 2, Điều 17, Nghị định 10/2020/NĐ-CP gồm:
- Tên & địa chỉ của đơn vị kinh doanh (hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp);
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Số, ngày/tháng/năm và cơ quan cấp phép;
- Người đại diện kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Hình thức kinh doanh;
- Cơ quan cấp giấy phép kinh doanh vận tải.
Các quy định về Giấy phép kinh doanh vận tải
Theo quy định khi xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải thì cá nhân/tổ chức cần thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh trước. Tùy theo nhu cầu kinh doanh mà cá nhân/tổ chức đăng ký theo mô hình doanh nghiệp, hộ cá thể hoặc hợp tác xã.
Ngoài ra, theo Khoản 1, Điều 17 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP, các hình thức kinh doanh vận tải cần xin cấp giấy phép bao gồm:
1. Kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách
- Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định;
- Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định;
- Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định;
- Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi;
- Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô.
2. Kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa
- Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe taxi tải;
- Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe công-ten-nơ (container).
Điều kiện khi kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Kinh doanh vận tải gồm có 02 hình thức phổ biến là kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa. Mỗi hình thức được quy định điều kiện cấp giấy phép khác nhau, hãy cùng Lạc Việt tìm hiểu tiếp nhé.
1. Điều kiện đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách
Đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô thì cần đáp ứng các điều kiện được quy định ở Điều 13 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP:
- Chỉ hợp tác xã/doanh nghiệp mới được phép kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, bằng xe buýt và xe taxi. Tuy nhiên, cần có bộ phận quản lý về vấn đề an toàn giao thông, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách (Khoản 2, Điều 67, Luật Giao thông đường bộ 2008);
- Xe ô tô dùng kinh doanh vận tải hành khách phải có quyền sử dụng, quyền sở hữu hợp pháp theo quy định pháp luật;
- Sức chứa của xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định từ 09 chỗ trở lên và niên hạn sử dụng như sau:
- Không quá 15 năm đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300 ki-lô-mét, tính từ năm sản xuất;
- Không quá 20 năm đối với xe hoạt động trên tuyến có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống, tính từ năm sản xuất.
- Đối với xe ô tô dùng để kinh doanh vận tải bằng xe buýt thì niên hạn sử dụng không quá 20 năm;
- Xe taxi vận tải hành khách có sức chứa dưới 09 chỗ (đã bao gồm người lái xe), niên hạn sử dụng không quá 12 năm và không được sử dụng các loại xe khác để cải tạo;
- Xe ô tô để kinh doanh vận tải hành khách du lịch được quy định về niên hạn sử dụng như sau: Thời gian sử dụng không quá 15 năm với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 300 ki-lô-mét;
- Thời gian sử dụng không quá 20 năm với xe hoạt động trên hành trình có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống;
- Thời gian sử dụng không quá 12 năm với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách du lịch và theo hợp đồng. Từ ngày 01/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ phải lắp camera để đảm bảo ghi và lưu trữ hình ảnh của người lái xe. Cụ thể như sau:
- Xe hoạt động ở hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét: Tối thiểu 24 giờ gần nhất;
- Xe hoạt động ở hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét: Tối thiểu 72 giờ gần nhất.
2. Điều kiện đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa
Căn cứ tại Điều 14, Nghị định 10/2020/NĐ-CP, để xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa thì đơn vị cần đáp ứng điều kiện sau:
- Chỉ doanh nghiệp/hợp tác xã được phép kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ (theo quy định tại Khoản 3, Điều 67, Luật giao thông đường bộ 2008);
- Cần có quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô để kinh doanh vận tải hàng hóa dựa vào hợp đồng thuê phương tiện. Hợp đồng sẽ được căn cứ vào văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải với cá nhân/tổ chức hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh;
- Xe ô tô đăng ký kinh doanh vận tải hàng hóa thuộc quyền sở hữu của thành viên hợp tác xã thì cần có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã;
- Trước 01/7/2021, xe ô tô dùng kinh doanh vận tải hàng hóa phải lắp camera với mục đích ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình tham gia giao thông. Cơ quan có thẩm quyền sẽ quản lý và giám sát dữ liệu công khai và minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh được quy định:
- Thời gian lưu trữ hình ảnh với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét tối thiểu 24 giờ;
- Thời gian lưu trữ hình ảnh với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét tối thiểu 72 giờ.
Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải
Để xin Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cá nhân/tổ chức cần thực hiện các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xin cấp giấy phép vận tải cá nhân
Cá nhân/tổ chức chuẩn bị 01 hồ sơ với đầy đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật mà Lạc Việt đã chia sẻ ở mục (5).
Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép
Theo Khoản 3, Điều 17, Nghị định 10/2020/NĐ-CP, sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ thì cá nhân/tổ chức sẽ nộp bằng 01 trong 02 cách sau:
- Cách 1: Nộp hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh vận tải trực tiếp ở Sở giao thông vận tải của tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cách 2: Nộp hồ sơ trực tuyến thông qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đó.
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép
Trong thời gian 03 ngày làm việc (tính từ ngày nhận hồ sơ), Sở Giao thông vận tải sẽ kiểm tra và thông đến đơn vị kinh doanh vận tải nếu hồ sơ cần sửa đổi hoặc bổ sung. Có thể thông báo trực tiếp, bằng văn bản hoặc qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Sau khi nhận hồ sơ hợp lệ, Sở Giao thông vận tải tiến hành thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho đơn vị kinh doanh trong 05 ngày làm việc.
Hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh vận tải
1. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải
Theo Khoản 1, Điều 18, Nghị định 10/2020/NĐ-CP, hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh vận tải đối với doanh nghiệp/hợp tác xã gồm:
- Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải theo mẫu tại Phụ lục I, Nghị định 10/2020/NĐ-CP;
- Bản sao văn bằng hoặc chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh vận tải;
- Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định về chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý liên quan đến an toàn giao thông.
Tuy nhiên, hồ sơ trên chỉ áp dụng với doanh nghiệp/hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe taxi, xe buýt có sử dụng hợp đồng điện tử hoặc kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe công-ten-nơ.
2. Đối với hộ kinh doanh vận tải
Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 18, Nghị định 10/2020/NĐ-CP, hồ sơ xin giấy phép con với hộ kinh doanh vận tải gồm:
- Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo mẫu ở Phụ lục I;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Một số câu hỏi thường gặp khi xin giấy phép kinh doanh vận tải
1. Giấy phép kinh doanh vận tải có thời hạn sử dụng bao lâu?
Thời hạn của giấy phép kinh doanh vận tải thường là 7 năm. Sau thời gian này, doanh nghiệp cần làm thủ tục gia hạn để tiếp tục hoạt động hợp pháp.
2. Nơi nộp hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô ở đâu?
Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được nộp tại Sở Giao thông Vận tải của tỉnh hoặc thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
3. Không xin giấy phép kinh doanh vận tải có bị phạt không?
Có, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải mà không có giấy phép sẽ bị phạt theo quy định pháp luật. Mức phạt có thể bao gồm phạt tiền và các biện pháp xử lý khác như tạm ngừng hoạt động kinh doanh hoặc thu hồi phương tiện.
Trên đây là các thông tin về điều kiện, thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận tải mà Lạc Việt đã chia sẻ. Nếu có bất cứ thắc mắc hoặc cần hỗ trợ dịch vụ xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì bạn có thể liên hệ đến hotline để được tư vấn tận tình nhé.