Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, không phải các khoản phụ cấp, trợ cấp nào mà người lao động nhận được cũng tính vào thu nhập chịu thuế TNCN. Hãy cùng Lạc Việt tìm hiểu các khoản phụ cấp không tính thuế TNCN để thực hiện quyết toán chính xác nhất nhé.

các khoản phụ cấp không tính thuế TNCN
Tìm hiểu về các khoản phụ cấp không tính thuế TNCN

Các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính thuế TNCN

các khoản phụ cấp không tính thuế TNCN
Các khoản phụ cấp của người lao động không tính thuế TNCN

Theo Điểm b, Khoản 2, Điều 2 của Thông tư 111/2013/TT-BTC, các khoản trợ cấp, phụ cấp không tính thuế TNCN được quy định như sau:

  • Khoản phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực;
  • Phụ cấp về quốc phòng – an ninh cũng như khoản trợ cấp về lực lượng vũ trang;
  • Phụ cấp độc hại, nguy hiểm với các ngành nghề hoặc công việc tại nơi làm việc có chứa yếu tố nguy hiểm, độc hại đến người lao động;
  • Phụ cấp về việc phục vụ đối với các lãnh đạo cấp cao;
  • Phụ cấp dành cho các nhân viên y tế làm việc tại thôn, bản ở các vùng khó khăn;
  • Phụ cấp đặc thù của ngành nghề;
  • Trợ cấp dành cho đối tượng được bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật;
  • Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần đối với ưu đãi dành cho người có công theo quy định pháp luật;
  • Trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp một lần dành cho đối tượng tham gia kháng chiến bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ;
  • Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khó khăn đột xuất, khoản trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi;
  • Trợ cấp khi hưởng chế độ thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau kỳ thai sản;
  • Trợ cấp do khả năng lao động bị suy giảm;
  • Trợ cấp thôi việc, mất việc làm, hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng;
  • Trợ cấp thất nghiệp cũng như khoản trợ cấp khác căn cứ trên quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội;
  • Trợ cấp một lần dành cho cá nhân chuyển công tác làm việc đến nơi có điều kinh tế – xã hội khó khăn, khoản hỗ trợ một lần cho cán bộ công chức làm công tác liên quan đến chủ quyền biển đảo; Khoản trợ cấp chuyển vùng một lần cho người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam và người Việt Nam đến nước ngoài làm việc.

Lưu ý:

  • Khoản phụ cấp, trợ cấp cũng như mức phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế tại Điểm b, Khoản 2 cần được cơ quan nhà nước quy định;
  • Nếu có văn bản hướng dẫn về khoản phụ cấp, trợ cấp với khu vực Nhà nước thì các thành phần, tổ chức kinh tế và cơ sở kinh doanh phải dựa vào danh mục, mức phụ cấp, trợ cấp của khu vực Nhà nước để tính trừ;
  • Nếu phụ cấp, trợ cấp người lao động nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo văn bản hướng dẫn thì sẽ phần vượt hơn sẽ phải tính vào thu nhập chịu thuế;
  • Đối với trợ cấp chuyển vùng một lần của người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi đến nước ngoài làm việc sẽ không chịu thuế TNCN dựa trên mức ghi ở Hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

Các khoản chi khác không chịu thuế TNCN

các khoản chi phí khác không chịu thuế TNCN
6 Khoản chi phí khác không chịu thuế TNCN

Ngoài các khoản phụ cấp không tính thuế TNCN kể trên thì sẽ còn các khoản chi khác cũng được quy định không tính vào thu nhập chịu thuế dưới đây.

1. Khoản tiền ăn trưa, ăn giữa ca

Theo Tiết g.5, Điểm g, Khoản 2, Điều 2 của Thông tư 111/2013/TT-BTC, người sử dụng lao động chi tiền ăn giữa ca, ăn trưa cho người lao động theo qua hình thức trực tiếp nấu ăn, cấp phiếu ăn hoặc mua suất ăn sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

Nếu công ty không tổ chức nấu ăn mà chi tiền ăn trưa, ăn giữa ca cho người lao động thì mức tiền chi không vượt hơn 730.000 đồng/người/tháng. Nếu vượt mức quy định thì phần chênh lệch sẽ tính vào khoản thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân.

2. Khoản chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục

Căn cứ Tiết đ.4, Điểm đ, Khoản 2, Điều 2 của Thông tư 111/2013/TT-BTC đã quy định một số trường hợp mà mức khoán chi không tính vào thu nhập TNCN gồm:

  • Công chức, cán bộ, người làm việc trong cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, hội, hiệp hội: Mức khoán chi được căn cứ theo quy định của Bộ Tài chính;
  • Người làm việc tại tổ chức quốc tế/văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: Mức khoán chi theo quy định của tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài;
  • Người làm việc tại các tổ chức kinh doanh/văn phòng đại diện: Mức khoán chi áp dụng với mức xác định thu nhập chịu thuế TNDN dựa vào văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN.

3. Khoản chi tiền thuê nhà, điện nước

Căn cứ Khoản 2, Điều 11, Thông tư 92/2015/TT-BTC và Điểm đ, Khoản 2, Điều 2, Thông tư 111/2013/TT-BTC đã quy định, khoản tiền thuê nhà mà người sử dụng lao động chi trả cho người lao động sẽ tính vào thu nhập chịu thuế TNCN dựa trên số tiền thực tế.

Tuy nhiên, không được vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (không bao gồm tiền thuê nhà, điện nước và những dịch vụ kèm theo khác) ở đơn vị cũng như không phân biệt nơi chi trả thu nhập.

4. Khoản chi phí hội viên, phí dịch vụ khác

Theo quy định tại Tiết đ.3, Điểm đ, Khoản 2, Điều 2, Thông tư 111/2013/TT-BTC, các khoản phí hội viện và khoản chi dịch vụ khác nhưng phục vụ theo yêu cầu cá nhân gồm:

  • Khoản phí hội viên như thẻ sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, thẻ tập luyện thể dục thể thao, thẻ hội viên sân golf, sân quần vợt:
    • Nếu ghi rõ tên cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng: Tính khoản phí này vào thu nhập chịu thuế TNCN;
    • Nếu thẻ được sử dụng chung, không ghi đích danh tên cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng: Không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
  • Khoản chi dịch vụ khác phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí thẩm mỹ,… nếu có ghi rõ tên cá nhân sử dụng thì phải tính vào thu nhập chịu thuế. Trường hợp không ghi đích danh tên người sử dụng thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

Chính vì vậy, theo quy định trên, nếu thẻ hội viên có ghi rõ tên cá nhân/nhóm cá nhân sử dụng thì khoản phí này sẽ tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

5. Khoản chi tiền xe đưa đón nhân viên

Các khoản chi liên quan đến việc phục vụ đưa đón nhân viên từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại sẽ không phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN (Tiết đ.5, Điểm đ, Khoản 2, Điều 2, Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4, Điều 11, Thông tư 92/2015/TT-BTC).

6. Khoản chi tiền thưởng cho nhân viên

Theo Điểm e, Khoản 2, Điều 2, Thông tư 111/2013/TT-BTC các khoản thưởng không tính thuế TNCN được quy định như sau:

  • Tiền thưởng theo quy định về thi đua, khen thưởng có kèm danh hiệu được Nhà nước phong tặng:
    • Các danh hiệu thi đua như: Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sỹ tiên tiến, lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua các cấp bộ
  • Tiền thưởng có kèm theo bằng khen hoặc giấy khen;
  • Tiền thưởng có kèm theo kỷ niệm chương, huy hiệu Tiền thưởng theo mọi hình thức khen thưởng;
  • Tiền thưởng cùng với các danh hiệu do Nhà nước phong tặng;
  • Tiền thưởng cùng với các giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng của nhà nước;
  • Tiền thưởng từ các giải thưởng được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và tổ chức xã hội của TW hoặc địa phương trao tặng. Tiền thưởng phù hợp với các điều lệ của tổ chức đó cũng như phải phù hợp với quy định theo Luật Thi đua, khen thưởng. Tiền thưởng từ các giải thưởng quốc tế, giải thưởng quốc gia và được Nhà nước công nhận;
  • Tiền thưởng từ việc phát minh, sáng chế cũng như cải tiến kỹ thuật đã cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
  • Tiền thưởng khi phát hiện, khai báo các hành vi vi phạm pháp luật đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Khoản chi trả hộ tiền đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề

Các khoản mà người sử dụng lao động chi trả để đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động sao cho phù hợp với tính chất công việc, chuyên môn, nghiệp vụ hoặc theo kế hoạch của người sử dụng lao động sẽ không phải tính vào thu nhập chịu thuế (Tiết đ.6, Điểm đ, Khoản 2, Điều 2, Thông tư 111/2013/TT-BTC).

8. Một số khoản lợi ích khác

Căn cứ tại Điểm g, Khoản 2, Điều 2 của Thông tư 111/2013/TT-BTC, một số khoản lợi ích khác không tính vào thu nhập chịu thuế gồm:

  • Hỗ trợ người lao động về việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân và thân nhân;
  • Thân nhân của người lao động được quy định là: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của chồng/vợ, cha/mẹ đẻ; cha/mẹ vợ, cha/mẹ chồng), cha dượng, mẹ kế, cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp;
  • Số tiền hỗ trợ căn cứ theo chứng từ trả tiền viện phí nhưng không được vượt quá số tiền trả viện phí của người lao động và thân nhân người lao động sau khi trừ đi số tiền chi trả từ tổ chức bảo hiểm. Khoản tiền được nhận từ việc sử dụng phương tiện đi lại ở cơ quan nhà nước, tỏ chức Đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập;
  • Khoản tiền được nhận theo chế độ nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật;
  • Khoản lợi ích nhận được từ việc tham gia ý kiến, thẩm định, thẩm tra vào văn bản pháp luật, nghị quyết, tiếp cử tri – công dân, báo cáo thẩm tra;
  • Khoản tiền chi vào trang phục và các công việc có liên quan đến phục vụ hoạt động của Văn phòng Quốc hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Văn phòng Thành ủy, Tỉnh ủy, các Ban của Thành uỷ, Tỉnh ủy,…
  • Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi phục vụ cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam hoặc người Việt Nam đến nước ngoài làm việc về phép hàng năm;
  • Khoản tiền chi cho học phí do đơn vị sử dụng lao động trả hộ cho con của người nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam học tại Việt Nam hoặc con của người lao động Việt Nam hiện đang làm việc ở nước ngoài học ở nước ngoài, chỉ tính từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông;
  • Khoản thu nhập nhận được từ các hội, tổ chức tài trợ, nếu người nhận tài trợ là thành viên của hội và tổ chức đó hoặc kinh phí tài trợ từ nguồn kinh phí nhà nước, hoặc thực hiện công trình nghiên cứu khoa học, sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật,… theo chương trình hoạt động phù hợp với điều lệ của hội và tổ chức đó;
  • Khoản thanh toán phục vụ cho việc luân chuyển, điều động nhân viên là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động chi trả.

Một số câu hỏi thường gặp về các khoản phụ cấp không tính thuế TNCN

1. Phụ cấp điện thoại có tính thuế TNCN không?

Không, phụ cấp điện thoại của người lao động trong các tổ chức kinh doanh sẽ không bị tính thuế TNCN nếu khoản chi được thực hiện dưới dạng khoán và tuân thủ đúng quy định về mức thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, theo các hướng dẫn từ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

➦ Xem thêm: Phụ cấp điện thoại có tính thuế TNCN hay không?

2. Phụ cấp trách nhiệm có tính thuế TNCN không?

Có, phụ cấp trách nhiệm cho người lao động được coi là một phần của tiền lương, tiền công. Đây không phải là khoản phụ cấp được miễn thuế thu nhập cá nhân và phải tính vào thu nhập chịu thuế.

3. Phụ cấp xăng xe có tính thuế TNCN không?

Có, theo Thông tư 111/2013/TT-BTC tại Khoản 2 Điều 2, phụ cấp xăng xe là một khoản thu nhập từ tiền lương, do đó sẽ phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.

4. Các khoản phụ cấp không tính thuế TNCN và BHXH?

Các khoản phụ cấp như tiền ăn giữa ca, hỗ trợ điện thoại, xăng xe trong mức hợp lý, trợ cấp khó khăn và một số trợ cấp khác không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN và BHXH​.


Trên đây là thông tin chi tiết về các khoản phụ cấp không tính thuế TNCNLạc Việt chia sẻ đến bạn đọc. Việc nắm rõ các quy định về thuế thu nhập cá nhân sẽ giúp việc quyết toán và hoàn thuế thu nhập cá nhân dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Phan Châu Thịnh

Tôi là Phan Châu Thịnh – CEO tại Công ty dịch vụ kế toán Lạc Việt. Bằng những hiểu biết và kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực kế toán, thuế và luật doanh nghiệp. Tôi muốn chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình để mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp.



Tư vấn: 0931 398 798