Khi doanh nghiệp quyết định tạm ngừng hoạt động, một trong những mối quan tâm hàng đầu là liệu có phải đối mặt với việc bị thanh tra thuế hay không. Lạc Việt sẽ giải đáp chi tiết về vấn đề này, giúp các chủ doanh nghiệp nắm được thông tin và an tâm khi tạm ngừng kinh doanh.
Các trường hợp doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra thuế
Dưới đây là một số các trường hợp mà doanh nghiệp có thể bị thanh tra, kiểm tra thuế khi đang trong giai đoạn tạm ngừng kinh doanh:
- Doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm các quy định về thuế;
- Doanh nghiệp chưa thanh toán hết số tiền thuế còn nợ;
- Doanh nghiệp có các hoạt động kinh doanh tương đối phức tạp;
- Doanh nghiệp có sự thay đổi về nhân sự, tài sản,…
- Cơ quan quản lý thuế nhận được thông tin về việc doanh nghiệp vi phạm các quy định về thuế trong thời gian tạm ngừng kinh doanh;
- Cơ quan quản lý thuế phát hiện ra vi phạm về thuế của doanh nghiệp trong quá trình quản lý thuế.
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có bị thanh tra thuế không?
Doanh nghiệp khi tạm ngừng kinh doanh có thể bị thanh tra thuế nếu doanh nghiệp không hoàn thành nghĩa vụ về thuế. Do đó, trong quá trình làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp cần phải thanh toán đầy đủ số tiền thuế chưa nộp trước khi tạm ngừng, căn cứ theo Luật Quản lý thuế số 78/2019/QH14 tại Điều 58 quy định về quyền thanh tra thuế của cơ quan thuế.
Căn cứ tại Điểm D, Khoản 2, Điều 4 của Nghị định 126/2020/NĐ-CP, quy định Luật quản lý thuế có quy định:
Người nộp thuế phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Vì vậy, trong giai đoạn doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, việc kiểm tra, thanh tra thuế có thể xảy ra nếu doanh nghiệp đó có rủi ro liên quan đến thuế. Điều này có nghĩa là khi doanh nghiệp nhận được thông báo về việc thanh tra, kiểm tra từ cơ quan thuế, việc tiến hành kiểm tra thuế là đúng theo quy định của pháp luật và doanh nghiệp cần phải tuân thủ.
Các tiêu chí để đánh giá xem một doanh nghiệp đang tạm dừng kinh doanh có rủi ro về thuế hay không bao gồm:
- Sử dụng hóa đơn chứng từ của các doanh nghiệp không còn hoạt động (công ty ma);
- Doanh nghiệp kê khống chi phí đầu vào với mục đích làm giảm số tiền thuế phải nộp;
- Doanh nghiệp lợi dung việc tạm ngừng kinh doanh để trốn tránh việc tuân thủ luật thuế;
Trách nhiệm của doanh nghiệp khi tạm ngừng kinh doanh
Doanh nghiệp khi quyết định việc tạm ngừng kinh doanh sẽ cần tuân thủ một số trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
1. Thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh
- Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh, chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh;
- Nội dung thông báo bao gồm: lý do, thời hạn tạm ngừng kinh doanh, tên, địa chỉ, số điện thoại, email của người đại diện theo pháp luật;
- Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu gia hạn thêm thời hạn tạm ngừng kinh doanh sau khi hết hạn đã thông báo, cần thông báo chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh;
- Trường hợp hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở xuống thì không phải làm thủ tục thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh.
2. Thực hiện các nghĩa vụ tài chính
- Khi tạm dừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp hết số tiền thuế và bảo hiểm còn nợ;
- Doanh nghiệp cần thanh toán các khoảng nợ và hoàn thành các hợp đồng đã ký, trừ khi có thỏa thuận khác;
- Trong thời gian này, doanh nghiệp không được tiếp tục các hoạt động kinh doanh.
3. Tiếp tục gia hạn tạm ngừng kinh doanh
Ngoài ra, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp không được phép thực hiện việc chuyển nhượng tài sản, đầu tư vốn, hoặc thành lập doanh nghiệp mới;
- Doanh nghiệp không được phép thực hiện các hoạt động kinh doanh mới trong thời gian tạm ngừng kinh doanh.
Việc tuân thủ đầy đủ các trách nhiệm khi tạm ngừng kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp tránh vi phạm pháp luật và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi tạm ngừng kinh doanh bị thanh tra thuế
Quyền của doanh nghiệp khi tạm ngừng kinh doanh bao gồm:
- Giải trình các vấn đề liên quan đến nội dung doanh nghiệp bị thanh tra thuế;
- Phản đối các quyết định, hành vi của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, các thành viên của đoàn thanh tra trong quá trình thực hiện thanh tra; phản đối kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại; trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại, người khiếu nại vẫn phải tuân thủ các quyết định đó;
- Nhận biên bản thanh tra thuế và đề nghị cơ quan thuế giải thích nội dung biên bản thanh tra thuế;
- Từ chối cung cấp các thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra thuế, các thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước, trừ khi pháp luật có quy định khác;
- Đề nghị bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
- Tố giác các hành vi vi phạm pháp luật của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, trưởng đoàn thanh tra thuế và các thành viên của đoàn thanh tra thuế theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của doanh nghiệp khi tạm ngừng kinh doanh bao gồm:
- Tuân theo quyết định của cuộc thanh tra thuế;
- Cung cấp đầy đủ các thông tin và tài liệu theo yêu cầu của cơ quan thuế; trưởng đoàn thanh tra hoặc các thành viên trong đoàn thanh tra;
- Chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của thông tin mà doanh nghiệp cung cấp;
- Thực hiện theo yêu cầu và kết luận từ quá trình thanh tra thuế, chấp hành các quyết định xử lý của cơ quan thuế; trưởng đoàn thanh tra hoặc các thành viên trong đoàn thanh tra;
- Ký vào biên bản thanh tra thuế.
Doanh nghiệp có phải nộp hồ sơ khai thuế khi tạm ngừng hoạt động kinh doanh?
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp trong thời gian tạm ngừng kinh doanh không cần phải nộp hồ sơ khai thuế. Trừ khi thời gian tạm ngừng không kéo dài suốt cả tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính, thì doanh nghiệp vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý và hồ sơ quyết toán năm.
Nếu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh không kéo dài suốt cả tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính, thì doanh nghiệp vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý và hồ sơ quyết toán năm.
Lạc Việt đã cung cấp thông tin giúp bạn hiểu rõ về việc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thể bị thanh tra thuế theo Luật quản lý thuế. Hy vọng rằng thông tin này sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định liên quan và có cái nhìn tổng quan về vấn đề này cũng như các vấn đề pháp lý khác.