Bộ phận kế toán là không thể thiếu trong sự vận hành và phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là kế toán nội bộ. Mỗi loại hình doanh nghiệp có quy mô và dịch vụ khác nhau, dẫn đến sự khác biệt trong công việc của kế toán nội bộ. Để giúp bạn hiểu rõ hơn, Lạc Việt sẽ giới thiệu về nhiệm vụ, yêu cầu và điều kiện cần có của một kế toán nội bộ.
Kế toán nội bộ là gì?
Kế toán nội bộ doanh nghiệp có thể được coi là kế toán quản trị. Chức năng chính của kế toán nội bộ là ghi chép, tổng hợp và thực hiện các nghiệp vụ kế toán liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Qua đó, kế toán nội bộ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát hiện sớm và điều chỉnh các hạn chế, sai sót. Đồng thời, cung cấp thông tin và dữ liệu để đưa ra các quyết định chiến lược mới và phát triển kinh doanh trong tương lai.
Mặc khác, kế toán nội bộ là thuật ngữ dùng để mô tả các vị trí kế toán thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Tuỳ thuộc vào tính chất công việc và quy mô của từng doanh nghiệp, mà kế toán nội bộ sẽ đảm nhiệm một công việc khác nhau.
Tham khảo: Kế Toán Thương Mại Dịch Vụ Là Gì? Những Công Việc Cần Làm?
Các nghiệp vụ của kế toán nội bộ trong doanh nghiệp
Công việc của vị trí kế toán nội bộ liên quan chủ yếu đến việc ghi chép và tổng hợp các hóa đơn, chứng từ, và sổ sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp theo ngày. Dưới đây là một số công việc của kế toán nội bộ thực hiện bao gồm:
- Đảm bảo tính hợp lệ và chính xác của hóa đơn, chứng từ, kiểm tra và theo dõi tính hợp lệ;
- Phối hợp với các bộ phận kế toán khác để thực hiện công việc được giao;
- Thực hiện các công việc luân chuyển hồ sơ, giấy tờ của doanh nghiệp theo đúng trình tự;
- Thực hiện các quy trình hạch toán kế toán các hóa đơn, chứng từ đúng quy định;
- Đảm bảo sắp xếp, lưu trữ và bảo mật thông tin nội bộ cho các giấy tờ sổ sách kế toán;
- Tạo và lập báo cáo định kỳ theo yêu cầu hoặc báo cáo đột xuất hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng quý;
- Tổng hợp và phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh thực tế.
Phân loại kế toán nội bộ và trách nhiệm của từng vị trí
Như nội dung công việc được liệt kê ở trên, kế toán nội bộ chỉ là tên gọi sử dụng chung cho các vị trí kế toán. Trên thực tế, nhiệm vụ của kế toán nội bộ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường sẽ ít phức tạp hơn. Tuy nhiên, đối với các công ty, doanh nghiệp lớn, kế toán sẽ được phân chia thành nhiều lĩnh vực khác nhau. Mỗi người sẽ đảm nhận và chịu trách nhiệm cho từng công việc cụ thể, chẳng hạn như:
1. Kế toán trưởng
Kế toán trưởng là người chịu trách nhiệm điều hành và kiểm tra công việc của bộ phận kế toán trong tổ chức doanh nghiệp. Vai trò chính của kế toán trưởng bao gồm:
- Điều hành các công việc của kế toán nội bộ, kế toán viên;
- Kiểm tra tính chính xác, tính hợp lệ của dữ liệu và số liệu;
- Đảm bảo tuân thủ các quy định kế toán và pháp luật cho doanh nghiệp;
- Báo cáo tình hình tài chính, lợi nhuận của doanh nghiệp đến Ban giám đốc công ty.
Tham khảo thêm về: Dịch vụ kế toán trưởng chuyên nghiệp
2. Kế toán kho
Kế toán kho là người chuyên thực hiện quản lý và ghi nhận hàng hoá, sản phẩm trong kho của doanh nghiệp. Nhiệm vụ và vai trò chính của kế toán kho bao gồm:
- Thực hiện lập các chứng từ và hoá đơn nhập, xuất của hàng hoá, sản phẩm trong kho;
- Quản lý và theo dõi, lưu nhật ký thông tin về kho chứa hàng;
- Kiểm kê hàng tồn kho, ghi chép thông tin số liệu chính xác và đầy đủ.
3. Kế toán thu chi
Kế toán thu chi là người chuyên tập trung vào việc ghi nhận, phân loại các khoảng thu và chi của doanh nghiệp. Nhiệm vụ và vai trò chính của kế toán thu chi bao gồm:
- Ghi nhận và phân loại các khoản thu và chi của doanh nghiệp;
- Lập báo cáo thu chi hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm;
- Kiểm tra và xác nhận tính chính xác của dữ liệu thu chi;
- Đối chiếu và so sánh số liệu thu chi với các tài liệu chứng từ liên quan;
- Thực hiện các công việc khác liên quan đến kế toán thu chi theo yêu cầu của cấp trên.
Kế toán thu chi đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp kiểm soát và quản lý tài chính. Đồng thời cung cấp thông tin cần thiết cho quyết định kinh doanh và báo cáo tài chính.
4. Kế toán ngân hàng
Kế toán ngân hàng là một lĩnh vực đặc biệt trong kế toán. Người này sẽ đảm nhiệm các công việc liên quan đến giao dịch tài chính trong ngân hàng. Nhiệm vụ và vai trò của kế toán ngân hàng bao gồm:
- Thực hiện quy trình mở tài khoản ngân hàng cho các cá nhân, doanh nghiệp;
- Lập và xử lý các giao dịch tài chính như ủy nhiệm chi, séc, rút tiền và nộp tiền vào tài khoản;
- Ghi nhận và kiểm soát luồng tiền thông qua việc sử dụng chứng từ và thực hiện kế toán cuối tháng;
- Quản lý tiền tệ và theo dõi các hoạt động tài khoản của doanh nghiệp tại ngân hàng.
5. Kế toán bán hàng
Kế toán bán hàng là một phần trong lĩnh vực kế toán doanh nghiệp. Người này sẽ tập trung vào việc ghi chép sổ sách, xử lý giao dịch mua bán hàng hoá, sản phẩm. Công việc của kế toán bán hàng sẽ bao gồm:
- Thực hiện công việc ghi chép hoá đơn mua và bán hàng hoá, sắp xếp đơn hàng;
- Nhập liệu thông tin sản phẩm, đơn hàng trên phần mềm kế toán;
- Tổng hợp và báo cáo doanh thu từ các giao dịch bán hàng theo ngày;
- Kiểm tra và đối chiếu với thủ kho về hàng tồn cuối ngày, đảm bảo tính chính xác về số lượng.
6. Kế toán công nợ
Kế toán công nợ là quá trình ghi chép, theo dõi và quản lý các khoản công nợ mà một doanh nghiệp phải thu hoặc phải trả. Công việc của một kế toán công nợ bao gồm:
- Thực hiện ghi chép và theo dõi công nợ phải thu và phải trả. Đồng thời, kiểm tra quá trình thanh toán của khách hàng;
- Lập kế hoạch thu nợ và quản lý việc trì hoãn thanh toán của khách hàng;
- Lập báo cáo chi tiết về tình hình công nợ, đặc biệt là các khoản công nợ có tính chất đặc biệt hoặc rủi ro cao.
7. Kế toán tiền lương
Kế toán tiền lương là người thực hiện việc ghi chép và xử lý toàn bộ thông tin. Liên quan đến việc trả lương cho nhân viên trong doanh nghiệp. Công việc của kế toán tiền lương sẽ bao gồm:
- Xây dựng và quản lý hợp đồng lao động của doanh nghiệp;
- Thực hiện quá trình tính lương và thanh toán cho nhân viên. Bao gồm: chấm công, tính các khoản phụ cấp, thuế và các khoản khấu trừ;
- Quản lý và theo dõi các chế độ BHXH, BHYT và BHTN cho nhân viên.
8. Kế toán thanh toán
Kế toán thanh toán là người chuyên thực hiện các giao dịch thanh toán, tạm ứng. Công việc chính của kế toán thanh toán sẽ bao gồm:
- Quản lý và giám sát các hoạt động thu và chi của doanh nghiệp;
- Lập đề xuất và thực hiện việc tạm ứng, hoàn ứng và thanh toán các khoản liên quan;
- Quản lý tiền mặt bằng cách thiết lập sổ theo dõi tạm ứng, đối chiếu công nợ dựa trên các chứng từ tài chính.
9. Kế toán tổng hợp
Kế toán tổng hợp là người vai trò quan trọng trong quá trình phân loại, kiểm tra chứng từ. Công việc chính của kế toán thuế tổng hợp sẽ bao gồm:
- Phân loại, kiểm tra và phân tích chứng từ của doanh nghiệp;
- Báo cáo và cập nhật thông tin tài chính hàng ngày, theo dõi các số liệu tài chính của doanh nghiệp;
- Phân tích số liệu, đánh giá tình hình tài chính cho doanh nghiệp;
- Đề xuất ý kiến và giải pháp cho kế toán trưởng hoặc Ban giám đốc doanh nghiệp;
Những yêu cầu cơ bản đối với kế toán nội bộ
Ngoài những thông tin chi tiết về công việc và nhiệm vụ của kế toán nội bộ nêu trên. Trong doanh nghiệp, đối với kế toán nội bộ cũng sẽ có một số yêu cầu khác nhau tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp, bao gồm:
Kiến thức chuyên môn & nghiệp vụ kế toán
Người làm công việc này cần có bằng cấp và kiến thức vững về lĩnh vực kế toán. Đồng thời, thành thạo các kỹ năng nghiệp vụ như ghi chép, kiểm tra số liệu, xử lý hạch toán và lập báo cáo;
Kỹ năng phân tích & xử lý số liệu
Kế toán nội bộ cần có khả năng làm việc với số liệu và chứng từ tài chính. Chính vì vậy, cần phải biết cách xử lý và phân tích dữ liệu. Đảm bảo tính chính xác để đưa ra các báo cáo, kết quả.
Sử dụng phần mềm kế toán nội bộ
Kế toán nội bộ cần hiểu và làm việc trên các phần mềm kế toán và hệ thống kế toán của doanh nghiệp. Do đó, cần sử dụng khả năng và trình độ tin học để áp dụng trong việc nhập liệu, báo cáo trên phần mềm kế toán.
Trung thực và cẩn thận
Kế toán nội bộ phải làm việc một cách trung thực, cẩn thận và đảm bảo tính chính xác của số liệu. Tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin và tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Kỹ năng giao tiếp tốt
Kế toán nội bộ cần có kỹ năng giao tiếp tốt để làm việc với các đồng nghiệp khác, nhân viên và cấp quản lý. Ngoài ra, cần có khả năng trình bày thông tin tài chính một cách rõ ràng và dễ hiểu.
Trên đây là nội dung tóm tắt về công việc của kế toán nội bộ và các thông tin liên quan. Kế toán nội bộ là một vị trí quan trọng và không thể thiếu trong mỗi doanh nghiệp. Hiện nay, ngoài việc thuê kế toán dịch vụ cho doanh nghiệp, bạn có thể tham khảo thêm dịch vụ kế toán nội bộ để tối ưu công việc và giảm chi phí.